Dưỡng sinh sống lâu trăm tuổi, Sách hoàng đế nội Kinh

Nữ thất, nam bát (nữ 7, nam 8) chính là tóm gọn của định luật sinh mệnh. Ai có thể nắm được quy luật này, người ấy có thể tùy cơ ứng biến tốt nhất cho sức khỏe và những dự định cuộc đời của mình. Trong “Thượng cổ thiên chân luận” đề cập đến một định luật rất quan trọng, gọi là “nữ thất nam bát”. Ý nghĩa của nữ thất nam bát là định luật sinh mệnh của nữ giới có quan hệ với số 7, mà định luật sinh mệnh của nam giới có quan hệ với số 8.

http://www.benhvienthongminh.com

Nói về dưỡng sinh, các bậc danh y thời xưa không chỉ nhấn mạnh vào tính bổ dưỡng trong thực phẩm mà còn khuyến khích người ta đi tìm sự thanh tao trong tinh thần.

(ảnh minh họa: Henry Chan/ET)

Trong đạo dưỡng sinh theo Hoàng đế nội kinh, “hình” là hình thể, là thân thể của chúng ta; “thần” bao gồm thất tình (vui thích, tức giận, sầu não, nhớ nhung, đau buồn, sợ hãi, lo lắng), tư tưởng… Dưỡng sinh cần chú trọng bồi dưỡng khỏe mạnh cả hai phương diện này.

Có người cho rằng, để giữ sức khỏe thì cần tẩm bổ và luyện tập thể thao, nhưng lại quên mất còn phải dưỡng “thần”. Trong Hoàng Đế Nội Kinh đã dành nhiều trang để bàn về dưỡng “thần”, trong đó nguyên tắc quan trọng là “sống đạm bạc, tâm thanh tịnh,” vì chỉ có như thế mới có được “tinh thần an lạc.”

Hoàng Đế Nội Kinh thuật lại chi tiết quá trình cơ thể con người già yếu, và chỉ ra “thất tình” (vui thích, tức giận, sầu não, nhớ nhung, đau buồn, sợ hãi, lo lắng), phóng túng, lao lực làm cơ thể mất quân bình là nguyên nhân chủ yếu gây tăng tốc lão hóa, qua đó đưa ra nguyên tắc, đại khái là “mặc ấm phù hợp theo mùa, sống có quy luật, ăn uống điều độ, làm việc vừa sức”…
















Chữ “Điềm tĩnh” (恬) là kết hợp của chữ “tâm” và chữ “lưỡi”, ý là tâm tư nằm ở lưỡi qua cảm nhận hương vị của thức ăn, vì thế giải pháp là “buông bỏ mọi thứ” để cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống (giảm bớt dục vọng – ND).

Như vậy, phải làm thế nào để đạt đến “sống đạm bạc, tâm thanh tịnh, tinh thần vững vàng?” Phải loại bỏ tạp niệm và phiền não như thế nào? Hoàng đế nội kinh tổng kết phương pháp điều dưỡng tinh thần bằng 9 chữ:

“Mỹ kỳ thực, nhậm kỳ phục, lạc kỳ tục”
(美其食、任其服、乐其俗).

Phiền não của con người xuất phát từ lòng tham vô đáy, tuy cuộc sống không thể không “ăn, mặc, ở, đi lại”, nhưng một khi quá tham có thể khiến những chuyện đơn giản này làm lu mờ lý trí, làm tính cách trở thành ngông cuồng. Vì thế Hoàng đế nội kinh dùng 9 chữ này để cảnh báo về thái độ sống cho mọi người.

“Mỹ kỳ thực” chính là lấy khởi điểm từ bản năng “ăn” của con người, cho dù ngày nay ăn là cao lương mỹ vị hay rau cháo đạm bạc đều phải biết tận hưởng bằng “tâm”, hãy quên đi “vị” bên ngoài, vì ăn gì không quan trọng, quan trọng là cảm nhận được tình thân ruột thịt, quê hương, niềm vui tương phùng và tấm chân tình đồng cam cộng khổ.

“Nhậm kỳ phục” có ý là “Anh hoa phát tiết ra ngoài” chứ không nên nhìn vào cách ăn mặc hào nhoáng và thời thượng của một người.

“Lạc kỳ tục” là nhấn mạnh cho dù địa vị xã hội như thế nào cũng nên vui vẻ tự tại, có tinh thần không bị ràng buộc bởi những thứ thế tục.

Bí quyết chống lão hóa theo y thư cổ ‘Hoàng Đế nội kinh’

Có thể nói lý luận trong cuốn cổ thư “Hoàng Đế nội kinh” là uyên thâm nhất trong y học các giới, là nền tảng cho y học phương Đông từ mấy nghìn năm qua, đến nay vẫn còn nhiều điều chưa luận giải hết.
Hoàng Đế nội kinh là tác phẩm kinh điển của nền y học Đông phương và là quyển sách gối đầu giường của các bậc danh y từ cổ chí kim (Ảnh: Internet)

Trong “Hoàng Đế nội kinh” có viết, đời người có năm giai đoạn: sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ. Con người sau khi sinh ra, lớn lên trải qua giai đoạn cường tráng mạnh khỏe, sau đến lúc tuổi già ốm đau bệnh tật. Vậy mấu chốt của tuổi già là gì? Chúng ta sao lại muốn trì hoãn tuổi già?

Quyển “Hoàng Đế nội kinh” cũng có nói đến quá trình thay đổi của cơ thể con người từ khi sinh ra cho đến già.

  • 10 tuổi, khí huyết lưu thông tốt, nên rất thích chạy nhảy;
  • 20 tuổi, khí huyết bắt đầu phát triển đầy đủ, nên sẽ thích bước đi nhanh;
  • 30 tuổi, cơ thể cường tráng mạnh khỏe do khí huyết đạt đến đỉnh điểm;
  • 40 tuổi, sắc mặt không bằng được như tuổi trẻ nữa vì khí huyết bắt đầu suy yếu và xuất hiện tóc bạc;
  • 50 tuổi, can khí bắt đầu suy nhược nên mắt mờ đi;
  • 60 tuổi, tâm khí bắt đầu yếu đi, sẽ dễ rơi vào trạng thái u buồn, khí huyết vận hành không thông nên thích nằm;
  • 70 tuổi, tính khí thay đổi, làn da khô đi;
  • 80 tuổi, phổi bắt đầu suy nhược, dễ nói sai;
  • 90 tuổi, thận bắt đầu suy kiệt;
  • đến năm 100 tuổi thì ngũ tạng đều hỏng cả, cuối cùng đi đến điểm cuối của đời người.

Sự suy nhược của “khí” chính là nhân tố quyết định sự lão hóa

Sau tuổi 40, con người đi vào giai đoạn già cả, các chức căng của cơ thể bắt đầu suy yếu, đây là bước ngoặt trong đời người. Vậy điều gì quyết định mấu chốt của sự lão hóa? Chính là “khí” suy nhược. Chúng ta hãy xem trẻ em và người già, trong từng hành vi đều có những sự khác biệt rõ rệt.

(ảnh qua artisoo.com)

Trẻ em không ngừng vận động, muốn các bé ngồi yên không phải chuyện dễ, tinh lực của các bé dư thừa nên rất ít khi ngáp. Trái lại người lớn tuổi thì rất dễ bị mệt, hay ngáp, có khi xem TV là ngủ ngay. Đài Loan có câu tục ngữ rất hay: “Trẻ em có ba phần hỏa”, “Hỏa” ở đây chính là “khí” trong trung y, là “năng lượng” trong Tây y, nhưng không giới hạn bởi những loại năng lượng mà máy móc hiện đại có thể đo được vì thực tế năng lực của máy móc còn khá hạn chế.

Ở trẻ em bình thường, năng lượng của trẻ em có ba phần hỏa nên tinh lực rất dồi dào như thể không dùng hết vậy. Còn năng lượng của người lớn tuổi có lẽ chỉ còn lại một phần hỏa mà thôi, không đủ năng lượng đương nhiên sẽ dễ bị mệt.

Trung tâm của năng lượng là đâu?

Tế bào trong cơ thể người giống như một công xưởng với rất nhiều hóa học tinh vi, ngày đêm không ngừng tiến hành các phản ứng, năng lượng cần phải được cung cấp không ngừng. Năng lượng mà tràn đầy thì tế bào có sức sống, cơ thể ắt sẽ trẻ trung. Năng lượng suy yếu, tế bào thiếu sức sống, cơ thể cũng sẽ già đi. Cho nên nhân tố chính cho sự lão hóa chính là năng lượng bị suy nhược. Chúng ta đều biết tim là trung tâm tuần hoàn máu, vậy thì liệu cơ thể người có trung tâm năng lượng hay không?

Chúng ta đã biết “Trẻ em có ba phần hỏa”, ba phần hỏa này chính là trung tâm của năng lượng trong cơ thể. Đạo gia có nói trung tâm của năng lượng là “Đan điền” ở vùng bụng dưới, Trung y thì cho rằng là “Mệnh môn”, chính là sự vận động khí ở thận. Khí (năng lượng) là vô hình không thể nhìn được bằng mắt, đan điền và mệnh môn cũng vậy, không nhìn được bằng mắt thường như gan, nhưng chúng đều có vị trí cả, Đan điền và mệnh môn có quan hệ mật thiết, đều là trung tâm năng lượng của cơ thể người.

Luyện khí công chống lão hóa

Nếu chúng ta muốn chống lão hóa, giữ mãi thanh xuân khỏe mạnh thì phải tăng cường hỏa ở đan điền, biến một phần hỏa thành hai phần, thậm chí là ba phần. Mà cách tăng cường năng lượng là luyện khí công. Nguyên lý của khí công là tăng cường năng lượng của cơ thể người để khí huyết tuần hoàn đầy đủ, cải thiện chức năng của nội tạng, như vậy tự nhiên sẽ trở nên trẻ trung.

Đầu xuân bàn thuật dưỡng sinh: Ai có thể bước ra khỏi âm dương, thọ qua tuổi đất trời?


Bộ y thư cổ “Hoàng Đế Nội Kinh” là sách gối đầu của tất cả các thầy thuốc Đông y, có tổng cộng 162 quyển thì vấn đề cân bằng âm dương được bàn luận đến trong 140 quyển, hơn 3000 câu chữ có dùng đến âm dương, qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của âm dương. Chân lý vĩ đại nhất luôn là đơn giản nhất và rốt cuộc âm dương là gì vậy?
Ai có thể vượt qua tuổi của đất trời? (Ảnh: Internet)

“Kinh Dịch” xem trọng dương cương, Lão Tử tôn sùng âm nhu, trong “Kinh Dịch” có nói: “Nhất âm nhất dương vị chi đạo” (người ta gọi âm dương là đạo lý). “Nội Kinh” thì nói: “Âm dương là lẽ trời, là quy luật của vạn vật, là nguồn gốc của biến hóa, là nền tảng của sinh sát, là phủ của thần linh. Trị bệnh cần phải tìm về gốc.” Điều này cho thấy trung tâm tư duy triết học cao nhất của người Trung Hoa xưa chính là âm dương.

“Nội Kinh” có viết: “Trời nuôi người bằng ngũ khí, đất nuôi người bằng ngũ vị.” Những thứ năng lượng mà con người hấp thụ trong ngũ khí gió, nắng, ẩm, khô, lạnh từ vũ trụ tự nhiên, từ hệ thống tạng phủ đi vào hệ thống kinh lạc và sinh ra tinh dương khí; rồi từ ngũ vị chua, đắng, ngọt, cay, mặn do đất sinh ra để nuôi dưỡng hệ thống sinh lý, chuyển hóa thành âm khí âm huyết, tạo nên “âm khí nội hóa, dương khí ngoại vinh”, con người trở thành một phần và cũng là thể cộng sinh của thiên nhiên.

“Nội Kinh” lại nói: “Âm dương, là lẽ trời đất, số có thể là mười, suy ra có thể là trăm, số có thể là ngàn, suy ra có thể là vạn. Số lớn của vạn có thể là vô hạn, mà cũng chỉ là một.” Cũng có nghĩa là vạn sự vạn vật trong vũ trụ, trong nhân gian đều có thể quay về một điều gốc, chính là âm dương. Do âm dương có thể vô hạn, âm dương tuần hoàn, giống như một vòng tròn không có điểm kết thúc, không bao giờ ngừng.

Những gì mà ta có thể nhìn thấy được trong thiên nhiên, trời là dương, đất là âm; mặt trời là dương, mặt trăng là âm; ngày là dương, đêm là âm; nắng là dương, mưa là âm; bát quái được tạo nên từ những nét âm nét dương trong “Kinh Dịch” tương ứng với 24 tiết khí.

Trong một ngày cũng có âm dương, sáng là dương, chiều là âm; trong “Nội Kinh” có nói: “Cơ thể sinh khí vào sáng sớm, dương khí lên mạnh vào giữa ngày, dương khí suy yếu vào ban chiều khi mặt trời về hướng tây, khi đó khí môn đã đóng lại.” và “Khi đêm đến phải thu tạng (dương khí) lại, đừng làm nhiễu loạn gân cốt, không được đến nơi có sương, làm trái ba điều trên thì sẽ chuốc lấy phiền phức.” Vì thế vận động mạnh sau buổi chiều liệu có không tốt cho sức khỏe do làm trái lại với tự nhiên hay không là điều gây tranh cãi.

Âm dương có rất nhiều điều kì diệu: “Nhân sinh hữu hình, bất ly âm dương” (mọi việc trong cuộc sống không tách rời với âm dương). Âm dương có tính hỗ căn (nương tựa lẫn nhau để phát triển), cái gọi là “không có dương thì không có âm; không có âm thì không có dương”, lại nói: “âm dương không sinh ra đơn độc.” Noãn và tinh không kết hợp thì sẽ không sinh ra con người. Âm dương cũng kiềm chế lẫn nhau, ví dụ như: bệnh do dương nhiệt thì phải dùng thuốc âm lạnh để chữa; âm dương chuyển hóa lẫn nhau, về mặt lâm sàng thường thấy cực lạnh sẽ sinh nhiệt, cực nóng sẽ sinh lạnh: trước khi sốt thì sẽ run mạnh hoặc tay chân lạnh ngắt; âm dương sẽ tăng giảm lẫn nhau, người ta gọi là “dương tăng âm giảm, âm tăng dương giảm”, âm thịnh thì dương sẽ suy, dương thịnh thì âm sẽ suy, điều này thường thấy trong quan hệ kì diệu giữa vợ và chồng. Âm dương còn sẽ bổ trợ lẫn nhau, người ta gọi là dùng âm bổ dương, dùng dương bổ âm là kỹ thuật trong nội thất và một số loại khí công.

Ở bất cứ đâu cũng có thể thấy được tính đối lập của âm dương: Trên dưới, lửa nước, động tĩnh, thiện ác, cương nhu, nộ bi, hư thực, nhà người sống và mộ phần v.v. Tính thống nhất của âm dương cũng có rất nhiều: trong ngoài, khí huyết, trước sau, phủ tạng, dương kinh âm kinh, nam nữ, nửa người trên nửa người dưới, lưng bụng v.v.

Sự biến hóa của âm dương cũng phân tầng bậc, ví dụ như: ngũ tạng là âm, tim lại là dương trong âm, thận là âm trong dương. Trong dương có âm, trong âm có dương; âm dương vừa đối lập vừa thống nhất, vừa li vừa hợp, cuối cùng đạt đến mức cân bằng tương hỗ, mức cao nhất của sự hợp nhất giữa trời và người một khi âm dương hoàn toàn tách rời thì con người sẽ quay về cát bụi.

Dưỡng sinh theo “Nội Kinh” phải “tuân theo âm dương, hòa hợp với thuật số”. Và ai có thể bước ra khỏi âm dương chứ? “Nội Kinh” có nói chỉ có những người đắc Đạo, tu thành chân nhân: “Được biết ngày xưa có những chân nhân nắm được trời đất, hiểu được âm dương, hô hấp tinh khí, tự giữ được thần, cơ thể rắn chắc, nên có thể sống qua tuổi thọ của trời đất, không có lúc kết thúc, chính là do đạo lý này.

Những mốc tuổi cần kiểm tra sức khỏe

Ở độ tuổi 20, phụ nữ cần làm xét nghiệm Pap để tầm soát ung thư cổ tử cung. Nam giới nên lưu ý kiểm tra tinh hoàn. Tuổi 30, nữ giới lưu ý ung thư vú, và nam giới là đại trực tràng...

Những mốc tuổi cần kiểm tra sức khỏe






Sức khỏe là quan trọng nhất, vì không có sức khỏe thì mọi thứ chỉ là mây nổi. Hoàng đế nội kinh thì cho rằng “có đủ hình và thần” thì mới có thể “sống hết tuổi trời, trăm năm mới đi” (tận chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ), khuyên mọi người hãy chiến thắng con quỷ dục vọng vô đáy để tận hưởng tuổi thọ trời cho!

Bí quyết dưỡng sinh của danh y Tôn Tư Mạc: “Không uống thuốc mà có thể trị bệnh”

Theo danh y Tôn Tư Mạc, có thể làm được việc “không uống thuốc mà chữa được bệnh” thì mới là cách tốt nhất trong dưỡng sinh.

Tôn Tư Mạc: Học y vì sức khỏe yếu ớt nhiều bệnh, rồi trở thành vị thầy của cả một thế hệ

Tôn Tư Mạc, còn được gọi là Dược vương Tôn Thiên Y, là thầy thuốc nổi tiếng thời cổ đại của Trung Quốc. Ông cũng là một người ứng dụng khí công vào thuật dưỡng sinh.

Tôn Tư Mạc nổi danh với việc tổng kết kinh nghiệm lâm sàng và lý luận y học từ thời Đường trở về trước, từ đó biên soạn thành hai bộ kiệt tác y học: “Thiên Kim Yếu Phương” (Phương thuốc giá trị cả ngàn lượng vàng – gồm 30 quyển) và “Thiên Kim Dực Phương” (Phần bổ sung của ‘Thiên Kim Yếu Phương’)

Tôn Tư Mạc mất năm 101 tuổi. Lúc còn trẻ, sức khỏe ông rất yếu lại mắc nhiều chứng bệnh, nên ông đã nỗ lực nghiên cứu học tập y thuật. Ông có nền tảng kiến thức sâu rộng về thuốc, có sự nghiên cứu sâu xa về các phương diện chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng thuốc, châm cứu, phòng bệnh… cho đến năm 100 tuổi ông vẫn có thể nhìn và nghe rõ ràng và đã trở thành người thầy y học nổi danh một thời của nhà Đường.

Tổng kết những tư tưởng chăm sóc sức khỏe của y học, Đạo học, Nho học và Phật giáo Ấn Độ, ông cho rằng dựa vào cốt lõi “dưỡng tính” và “dưỡng lão”, có thể kéo dài tuổi thọ, trong đó phạm vi của nó bao gồm cả y học phòng bệnh, y học tâm lý và thể chất, y học tuổi già, thậm chí là chữa bệnh ở trẻ em và chữa bệnh bằng ăn uống.

Ví dụ: “Con người nên bảo trì tâm thái cân bằng, không nên cứ một mực theo đuổi danh lợi. Người ta ăn uống cần phải điều độ, không nên ăn hay uống quá nhiều. Khí huyết cần phải chú ý lưu thông, không nên lười biếng lười vận động. Sinh hoạt thường ngày cần phải ổn định, không nên trái với quy luật tự nhiên…”

Về vấn đề dưỡng tính, Tôn Tư Mạc cho rằng nên điều khiển cảm xúc, kiềm chế tình cảm, luôn giữ cảm xúc lạc quan, phải tiết chế chuyện phòng the và ăn uống.

“Ăn uống lành mạnh, ăn để trị bệnh và uống thuốc”, phải luôn giữ trạng thái tinh thần và thói quen ăn uống tốt để phòng tổn thương tỳ vị, tránh ảnh hưởng đến khí huyết mà gây bệnh, đồng thời ông nhấn mạnh tác dụng phòng và trị bệnh của việc ăn uống và thuốc men.

“Tập luyện thể thao và điều hòa hơi thở”, ông cho rằng chúng ta phải vận động và tập luyện vừa sức như xoa bóp, hít thở, bấm huyệt, mượn cách bỏ xấu lấy tốt, kết hợp tĩnh và động để đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe.

Cách dưỡng lão bằng việc bồi dưỡng tâm trạng, sống có quy củ

“Cách dưỡng lão” là cách dưỡng sinh ở người lớn tuổi, Tôn Tư Mạc cho rằng những người trên 50 là người lớn tuổi, lúc này có thể bị các bệnh về tinh thần cùng các hiện tượng lão hóa khác do sự yếu đi về mặt sinh lý, vì thế phải dưỡng lão bằng cách bồi dưỡng tâm trạng, sinh hoạt có quy củ, phải điều tiết việc ăn uống, xoa bóp vừa phải. Có nghĩa là dưỡng sinh ở tuổi già cần phải kết hợp giữa tâm trạng vui vẻ, sống có quy củ, ăn uống vừa phải và vận động vừa sức.

Nói chung, sự hình thành bệnh tật là do các chức năng bên trong cơ thể mất đi sự điều tiết, ví dụ như khi nguồn bệnh bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, chỉ cần bổ sung được đủ dinh dưỡng, giữ cho các bộ phận trong cơ thể hoạt động, tăng sức đề khoáng thì sẽ không dễ bị nhiễm bệnh.

>> Như thế nào là bảo dưỡng tinh, khí, thần? Tu luyện là cách dưỡng sinh tốt nhất

Cách tốt nhất trong việc dưỡng sinh là không uống thuốc mà có thể chữa được bệnh

Cái gọi là “dưỡng sinh” là ý chỉ việc “chữa trước sẽ không có bệnh”, có nghĩa là trước khi bị bệnh, việc đầu tiên là dùng nhiều cách để điều hòa cơ thể, giúp cơ thể mạnh mẽ hơn để tránh sự xâm nhập của các căn bệnh, thậm chí là phòng bệnh. Nếu có thể làm được việc “không uống thuốc mà chữa được bệnh” thì mới là cách tốt nhất trong dưỡng sinh.

Quan điểm dưỡng tính và dưỡng lão Tôn Tư Mạc không chỉ là bí quyết cho việc ông sống thọ mà còn chứa đựng nhiều những lý luận về dưỡng sinh trường thọ của Trung Hoa cổ đại. Dưỡng sinh không chỉ dành cho người già mà mỗi giai đoạn trong cuộc đời chúng ta đều có những lưu ý chăm sóc sức khỏe khác nhau. Quan tâm sớm đến sức khỏe mới là cách dưỡng sinh có hiệu quả nhất.

“10 điều không nên quá” trong dưỡng sinh theo Đạo gia

Đạo gia xem trọng tự nhiên, chủ trương điềm tĩnh như không, bồi dưỡng tuổi già.

“Đạo” là trung tâm tư tưởng Đạo gia mà tiêu biểu là Lão Tử và Trang Tử. Đạo gia cho rằng “đạo” là căn nguyên của vũ trụ, là nguyên tắc thống trị mọi sự vận động trong vũ trụ. Đạo gia xem trọng tự nhiên, chủ trương điềm tĩnh, bồi dưỡng tuổi già. Tư tưởng “Tinh, khí, thần” trong Đạo gia và y học có quan hệ mật thiết với dưỡng sinh, ví như những vấn đề về chế độ ăn uống hằng ngày, tinh thần và cảm xúc v.v. Ở đây chủ yếu phân tích 10 phương diện mặc, ăn, ở, dùng, làm, an nhàn, hỷ, nộ, danh, lợi.

1. Không mặc quá ấm

Đạo gia cho rằng mặc giản dị, phù hợp và thoải mái, lựa chọn trang phục phù hợp nhất dựa theo thời tiết, khí hậu và trình độ tập luyện. Cơ thể người mà khí huyết lưu thông thì sẽ không cảm thấy lạnh. “Mặc không quá ấm” chính là đừng dựa vào quần áo để làm ấm nhiều quá, mà phải nâng cao sức đề kháng và sức sống của cơ thể. Đối với vấn đề “kín đáo” và “lạnh”, Đạo gia phần nhiều chọn ‘’lạnh”. “Mặc ấm vừa phải là cũng đủ yên tâm” chính là nói đạo lý này.

2. Không ăn quá no

Đạo gia tu hành tuyệt đối không được “Ăn uống quên ngày tháng, ăn không ngồi rồi” mà phải quên đi sự hối hả và ồn ào của thế gian, tìm đến cảnh giới tinh thần điềm tĩnh như không. “Ăn không quá no” tức là không được ăn to uống nhiều, phải thường xuyên giữ cho cơ thể có cảm giác đói vừa phải, ăn nhiều không có lợi cho dưỡng sinh, hay nói cách khác là “thường có ba phần đói, bách bệnh không dám đến.”

3. Không ở quá xa xỉ

Nơi ở nên đơn giản, đón không khí, tự nhiên. “Cửu thủ” trong dưỡng sinh Đạo gia chính là muốn nói ta giữ lối sống quá xa hoa đi ngược lại với đạo thì tự sẽ khó trường thọ. Cửu thủ đó là:

  1. Giữ hòa: âm dương hài hòa;
  2. Giữ tín: giữ vững tinh thần;
  3. Giữ khí: giữ gìn khí huyết trong cơ thể;
  4. Giữ người: hành động theo đạo nhân nghĩa;
  5. Giữ giản: tiết kiệm để dưỡng sinh chứ không nghèo khó;
  6. Giữ dị: không sống vì tác động bên ngoài;
  7. Giữ lặng: điềm tĩnh và thuận theo tự nhiên;
  8. Giữ đầy đủ: biết hài lòng với những gì đang có;
  9. Giữ nhược: khí huyết hài hòa và trạng thái bình yên.

Trong đó, giữ sự giản dị, giữ cho mọi chuyện nhẹ nhàng, giữ cho tâm bình lặng chính là phải giản dị tiết kiệm, giữ gìn bản thân, quay về với thiên nhiên.

4. Không hành quá hoang phí

Đạo gia hoàn toàn không phủ nhận tài phú, “hành không quá phú” chính là muốn nói không được quá đeo đuổi tiền bạc hoặc khổ sở vì chúng. Hành là chủ xuất hành, hành vi, hành sự, hành động, nghĩa là đừng dùng xe quá đắt tiền khi đi lại, hành vi xử sự không được vung tiền, khi làm việc gì đó không được quá chú trọng tiền bạc mà xem nhẹ đạo đức, đồng thời cũng không được đặt tiền bạc làm tiền đề khi hành động. Đạo gia cho rằng “tiền bạc có thể phá vỡ khí”, quá đeo đuổi tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến tu tập, thậm chí là sẽ khiến “tinh, khí tan rã”.

5. Không lao động quá mệt

Dưỡng sinh Đạo gia rất chú trọng luyện tập hình thể và sức lao động, thế nhưng cũng nhấn mạnh rằng “làm việc điều độ, không hại đến cơ thể”, “ngũ lao thất thương” chính là điều cấm kỵ trong dưỡng sinh Đạo gia. “Ngũ lao” là chỉ nhìn lâu hại máu, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại cơ thể, đứng lâu hại xương cốt, đi lâu hại bắp thịt; “Thất thương” ý nói quá no thương tì, giận dữ thương can, vác nặng ngồi lâu thương thận, mình rét uống lạnh thương phế, lo buồn suy nghĩ thương thần, mưa gió nóng rét thương hình, lo sợ không điều độ thương chí. Vì vậy, người muốn dưỡng sinh thì phải cố gắng tránh ngũ tạng, máu huyết, kinh mạch, xương cốt bắp thịt phải làm việc quá sức hoặc xúc động thái quá mà dẫn đến tổn hại sức khỏe.

6. Không sống quá an nhàn

Tục ngữ có câu “sống vì gia khổ, chết vì an lạc”. Sự tự nhiên thoải mái, sống thanh bần vui đời mà Đạo gia nói đến hoàn toàn không phải là muốn con người ta không cần lo nghĩ, khư khư an nhàn mà là phải vượt qua hiện thực, vượt lên cái tôi để lòng được nhẹ nhàng, cảnh giới được nâng cao, trí tuệ được phát triển.

7. Không vui quá đà

Hỉ là một trong bảy trạng thái cảm xúc, nhưng đối với việc tốt, việc vui thì cũng nên thận trọng và tiết chế mức độ hưng phấn. “Tức nước vỡ bờ”, vui vẻ quá độ sinh ra bi quan, vui đến bật khóc. “Vui không quá đà” là muốn nhắc nhở ta đừng vui vẻ quá mức, không được vượt qua ngưỡng tâm lý của con người.

8. Không quá tức giận

Tu tâm trước tiên phải tu đức, dưỡng thân trước tiên phải khống chế tức giận. Trong lịch sử, “xung quân nhất nộ vi hồng nhan”, “lôi đình chi nộ động Cửu Tiêu”, nhỏ là lầm người lầm việc, hại người hại mình, lớn thì chiến tranh đây đó, hại nước thương dân. Lão Tử nói rất đúng, “không tranh với ai, nên không ai tranh giành với mình.” Khi nói chuyện với người khác, không cần biết là đúng hay sai, mỗi lần tức giận tức là thể hiện mình không có kiên nhẫn, cũng là điều cấm kỵ trong dưỡng sinh Đạo gia. Người dễ nổi nóng cần phải tăng cường tu tưỡng, chú ý khống chế tức giận. Sự tức giận ở con người ta đa phần đến từ lòng tham lam và ích kỷ, nếu như có thể dùng một tâm thái nhẹ nhàng để nhìn công danh lợi lộc trên đời thì sự tức giận tự nhiên cũng sẽ bị hóa giải. Con người ta sẽ luôn gặp rất nhiều chuyện khiến bản thân tức giận trong cuộc sống, nếu như chúng ta có thể biến tâm trạng tức giận thành sự cảm kích thì sẽ có thể làm tức giận tan biến.

9. Không quá cầu danh

Công danh giống như mây khói bay qua trước mắt, có người hôm nay thấy trên chương trình “The Apprentice” (Nhân viên tập sự) thì ngày mai có thể đã bị loại rồi. Vì thế hà tất phải quá để tâm và cưỡng cầu danh vọng. Đạo gia nhấn mạnh “điềm nhiên”, dù cho việc gì cũng phải điềm nhiên, đừng cưỡng cầu những gì khó nắm bắt được. Phải thật sự làm được “không quan tâm hơn thua, nhìn trời thấy mây bay gió thoảng; Không quan tâm đi hay ở, chỉ như nhìn thấy hoa nở hoa toàn trước cửa mà thôi.” Nếu người nào có thể làm được đến mức lòng nhẹ nhàng thư thái quên đi ưu và khuyết điểm thì tự nhiên sẽ có thể rời xa đúng sai, có thể vô ưu vô lo, sống một cuộc đời tự do tự tại.

10. Không quá ham lợi

Nếu bị lợi ích làm hại tâm, tham lam đến không biết sai đúng chắc chắn là một người không biết dưỡng sinh. Dưỡng sinh theo Đạo gia nhắc đến “mười ba hư vô”:

  1. Hư: di hình vong thể, điềm nhiên nhược vô;
  2. Vô: tổn tâm khí ngụy, phế ngụy khứ dục; 
  3. Thanh: chuyên tinh tích thần, bất vi vật tạp;
  4. Tĩnh: phản thần phục khí, an nhi bất động; 
  5. Vi: thâm cư nhàn xử, công danh bất hiển;
  6. Quả: nhàn vân dã hạc, độc đắc đạo du; 
  7. Nhu: hô hấp trung hòa, hoạt trạch tế vi; 
  8. Nhược: hoãn hình tòng thể, dĩ phụng bách sự;
  9. Ti: tăng ác tôn vinh, an bần nhạc nhục; 
  10. Tổn: độn doanh đào mãn, y thực thô sơ;
  11. Thời: tĩnh tác tùy dương, ứng biến khước tà; 
  12. Hòa: bất hỉ bất nộ, bất ai bất nhạc;
  13. Sắc: : tiết thị tiết thính, tinh thần nội thủ.

Tất cả những điều này đều thể hiện nguyên tắc dưỡng sinh  “từ bỏ lợi ích, ngộ đạo tu chân”.

Dưỡng sinh theo Đạo gia có tư tưởng nội hàm phong phú, có giá trị to lớn và ý nghĩa tích cực đối với việc nâng cao cảnh giới tư tưởng và chất lượng cuộc sống của con người.

Như thế nào là bảo dưỡng tinh, khí, thần? Tu luyện là cách dưỡng sinh tốt nhất

Bậc cao nhân xưa xem tinh, khí, thần như là tam bảo của sinh mệnh, muốn dưỡng sinh trường thọ thì cần giữ gìn 3 yếu tố này.

(ảnh qua bhayacruises.com)

Vĩnh viễn giữ gìn tuổi trẻ sức khỏe” là ước mơ mà mỗi chúng ta theo đuổi, quyển “Hoàng Đế nội kinh” 5000 năm trước đã dạy chúng ta cách dưỡng sinh (“Hoàng Đế nội kinh – Tố vấn – Thượng cổ thiên chân luận”). Dưỡng sinh không cần phải uống thuốc, mà là xuất phát từ trong “nội tâm” của chúng ta, khiến chúng ta quay ngược thời gian, tìm tòi trí tuệ của cổ nhân.

Hoàng Đế kính vấn Thiên sư Kì Bá (thầy của Hoàng Đế), người thượng cổ sống hơn trăm tuổi mà vận động không yếu đi, còn con người hiện nay sống không đến năm mươi mà vận động đã trở nên yếu ớt là do thời đại đã khác sao? Hay do khuyết điểm của bản thân con người?

Kì Bá trả lời, người thượng cổ thông hiểu đạo dưỡng sinh, ăn uống có tiết chế, sinh sống có quy luật, sinh hoạt không quá lao lực cho nên cơ thể và tinh thần đều khỏe mạnh, có thể sống đến rất lâu (thiên niên). Thế nhưng người ngày nay không như vậy, họ uống rượu thay nước, hành vi phóng túng, chuyện phòng the quá độ, hao tổn tinh khí, không biết khống chế cảm xúc, chỉ biết đuổi theo khoái lạc trong tâm hồn, thậm chí xem hành vi tổn hại sinh mạng là một thú vui, vì vậy sống đến năm mươi thì đã già.

Điềm tĩnh như không, chân khí đủ đầy, giữ vững tinh thần

Hoàng Đế học được cách tu đạo của tiên nhân Quảng Thành Tử rồi đắc đạo vào năm 120 tuổi, bay lên thành rồng.

Kì Bá so sánh sự khác nhau trong thái độ sống của người xưa và nay, sau đó giảng về triết lí của dưỡng sinh, “Người thượng cổ dạy người dưới mình, hiểu rõ tai hại của hư tà, tùy theo thì tiết tránh tà khí, giữ lòng điềm đạm, sống đúng với chân khí, giữ được tinh thần bên trong, bệnh sẽ không đến.

Thường thượng cổ dạy cho nhân chúng phải tránh tà khí gây bệnh bên ngoài (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa), phải thanh tâm quả dục, ngăn ham muốn, giữ tâm trong sáng, xem nhẹ danh lợi, đạt đến cảnh giới “hư vô”, như vậy mới có thể điều hòa thông thuận chân khí, bảo vệ tinh thần bên trong, tà khí bên ngoài không thể xâm lấn được, bệnh tật cũng sẽ không phát sinh.

“Thượng cổ thiên chân luận” là quyển đầu tiên của “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn”, có thể thấy là hết sức quan trọng. “Thiên chân” là chỉ bẩm sinh của con người, đến từ sức khỏe, là tinh thần bẩm sinh, khí huyết bẩm sinh (chân khí), nguyên thần, vì vậy Đạo gia gọi tinh, khí, thần là “tam bảo sinh mạng”, ba điều quý đối với sinh mạng, có thể bảo vệ sự sống. Dưỡng sinh chính là phải bảo dưỡng tinh, khí, thần, như vậy thì tà khí bên ngoài mới không thể xâm nhập.

Nhưng phải làm thế nào để bảo dưỡng tinh, khí, thần? “Điềm đạm hư vô” chính là phương pháp bảo dưỡng tam bảo mà Kì Bá đưa ra, xuất phát từ “nội tâm” của chúng ta, nếu có thể thanh tâm quả dục, ngăn ham muốn, giữ lòng trong sáng, xem nhẹ danh lợi, không bị hấp dẫn bởi sự vật bên ngoài thì nội tâm mới có thể đủ thanh tĩnh, đạt đến “sống đúng với chân khí, giữ được tinh thần bên trong”, chân khí hòa hợp thông thuận, bảo vệ bên ngoài, tinh và thần không bị tác động, bảo vệ bên trong cũng chính là bảo dưỡng tam bảo tinh, khí, thần.

Đạo gia tu luyện thành chân nhân

Bước tiếp theo của dưỡng sinh là tu luyện, Đạo gia tu luyện là phải trở thành “chân nhân”, chính là “thần tiên” mà ta thường nói đến. Hoàng Đế có nói: “Nghe nói người thượng cổ có chân nhân, lãnh đạo thiên địa, nắm giữ âm dương, hấp thụ tinh khí, độc lập thọ thần, cơ thể như một, vậy mới có thể thọ bì thiên địa, không có chung thời, vượt ngoài luật sinh tử.” Tu luyện để thành chân nhân là có thể “thọ bì thiên địa, không có chung thời”, sống lâu vượt qua trời đất, vô cùng vô tận, cũng chính là đã đắc đạo thành tiên rồi.

11 nguyên tắc nền tảng để khỏe mạnh và trường thọ (infographic)

Khi nói tới sức khỏe và tuổi thọ, sẽ không có một phương thức thần kỳ hay “suối nguồn tươi trẻ” nào có thể giúp bạn trở nên khỏe mạnh chỉ sau một đêm. Để có thể khỏe mạnh và đi đến một tuổi già thực sự, đòi hỏi phải có nỗ lực và ý thức thực hiện.

Nhưng tin tốt là: chỉ cần một vài thay đổi đơn giản trong lối sống, không những bạn có thể cải thiện cả số lượng mà cả chất lượng những năm tháng cuộc sống của bạn. Những thay đổi này là khá cơ bản, nhưng một khi đã thực hiện, chúng có thể ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe tổng thể của bạn.

(ảnh: Shutterstock)

Để sống thọ, cần có một chế độ ăn lành mạnh

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất về sức khỏe (và thật đáng buồn, cũng là nguyên tắc mọi người thường hay bỏ qua nhất) là một chế độ ăn uống đầy đủ, với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn là các thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe. Hãy nhớ rằng thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh chứa đầy ngũ cốc, đường và ca-lo có hại sức khỏe làm tăng mức insulin của bạn. Điều này không chỉ tăng tốc quá trình lão hóa mà còn gia tăng nguy cơ béo phì và bệnh mãn tính.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên dùng các thực phẩm biến đổi gen. Loại thực phẩm này không những ít chất dinh dưỡng hơn các thực phẩm hữu cơ, mà chúng còn gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Trên thực tế, hầu hết các thực phẩm chế biến ngày nay đều chứa các thành phần biến đổi gien – tuy nhiên những thành phần biến đổi gen này chưa trải qua các nghiên cứu về an toàn dài hạn.

Chế độ ăn uống tốt nhất để có sức khỏe và trường thọ là tập trung vào thực phẩm còn nguyên, chưa qua công nghệ chế biến, mà tốt nhất là các rau xanh hữu cơ, thịt từ vật nuôi trên cỏ, sữa tươi và các loại hạt từ những nguồn cung cấp tại địa phương lành mạnh và ổn định. Bạn cũng nên thêm vào bữa ăn hàng ngày các thực phẩm lên men tự nhiên.

Bằng cách áp dụng những thay đổi cơ bản, bạn có thể thực hiện một bước chuyển biến lớn đối với tuổi thọ và có được sức khỏe tốt nhất.

Yếu tố khác gây ra nguy cơ chết sớm: Lối sống ít vận động

Một nhân tố không kém phần quan trọng so với chế độ ăn uống lành mạnh là vận động cơ thể. Theo các nghiên cứu, những người ít vận động được phát hiện là có tuổi thọ ngắn hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm thời gian trung bình phải ngồi của bạn xuống ít hơn 3 giờ mỗi ngày có thể làm tăng tuổi thọ của bạn thêm 2 năm, và giảm thời gian xem truyền hình ít hơn 2 giờ mỗi ngày có thể tăng tuổi thọ thêm 1,4 năm.

Rất khó để tránh ngồi xuống trong thời gian lâu, khi công việc cần ngồi trước máy tính ngày nay đang chiếm ưu thế. Để bù lại, bạn hãy cố gắng tập luyện thể dục đủ mỗi ngày, và kết hợp với những động tác thể dục nhẹ nhàng ngay tại chỗ, VD: nghỉ sau mỗi giờ ngồi làm việc để đứng lên ngay tại bàn của bạn.

Như đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu, tập thể dục cũng có một số tác dụng chống lão hóa. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Mỹ cho thấy, tập thể dục tăng cường sinh ty thể (mitochondrial biogenesis), vốn hay bị sụt giảm trong quá trình lão hóa. Điều này có nghĩa là tập thể dục có thể đảo ngược đáng kể quá trình suy giảm hoạt động các ty thể và về hiệu quả, giúp ngăn chặn lão hóa từ gốc.

Hướng dẫn cơ bản để khỏe mạnh và sống thọ: Hãy thử ngay hôm nay!

Hãy nhớ rằng việc thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục không phải là yếu tố quan trọng duy nhất của sức khỏe và tuổi thọ. Có rất nhiều điều khác mà bạn cần phải thực hiện để đảm bảo cho một sức khỏe tốt nhất.

Dưới đây là infographic “11 Hướng dẫn cơ bản để có cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ” tóm tắt tất cả những điều cần thực hiện nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh. Thông qua đó bạn sẽ biết được:

  • Bí quyết trường tồn với thời gian giúp bạn cải thiện chất lượng sức khỏe.
  • Thêm các thực phẩm lành mạnh chống lão hóa vào khẩu phần ăn
  • Các thực phẩm biến đổi gen, được tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm chế biến sẵn, góp phần lớn vào việc hình thành bệnh tật và lão hóa sớm.
  • Vì sao việc nhận đủ ánh sáng mặt trời là điều cần thiết cho một sức khỏe tối ưu

Những nguyên tắc này hình thành nên nền tảng để có được sức khỏe tốt nhất. Đây là những chiến lược cơ bản đã được thử nghiệm, kiểm chứng và chúng sẽ không bao giờ thay đổi, dẫu cho với bất kỳ sự cải tiến nào của khoa học hiện đại.

Bạn hãy làm theo những lời khuyên này để có thể giảm đáng kể khả năng mắc bệnh tật và lão hóa sớm. Dùng chúng làm nền tảng để tiến hành kế hoạch giữ gìn toàn diện thân thể và tinh thần của bạn, và chắc chắn bạn sẽ thành công trong việc cải thiện sức khỏe của mình.

(Click vào ảnh để phóng lớn)

Đông y: Làm sao để trị bệnh ‘thất tình’?

Người xưa nói vẫn “bệnh là do bảy phần tâm…” mà ra, thân – tâm vốn là hợp nhất, vậy nên thân đi nghỉ mà tâm vẫn thổn thức thì chẳng ích gì. “Thất tình” thì ai ai cũng vướng ít nhiều, tâm xả bỏ được bao nhiêu thì thân sẽ thấy nhẹ nhõm bấy nhiêu.

Theo Đông y, “Thất tình” là bảy trạng thái tâm tình, gồm có: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh.

1. Thất tình tương thắng

“Thất tình” là: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. “Hỷ” là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã; “tư” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, “thất tình” được sử dụng để chỉ 7 loại “tình chí” (tình cảm, tinh thần) – có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.

Theo quan điểm “Hình thần hợp nhất” của Đông y, hệ thống Tạng phủ trong nhân thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động tình chí. Mỗi loại tình chí thông ứng với một Tạng nhất định: “Kinh” và “Hỷ” thông ứng với tạng Tâm; “nộ” ứng với tạng Can, “tư” ứng với tạng Tỳ; “bi” và “ưu” ứng với tạng Phế; “khủng” ứng với tạng Thận. Nói cách khác, tình chí là biểu hiện bên ngoài của hoạt động Tạng phủ; tựa như là chiếc “phong vũ biểu”, phản ánh tình trạng hoạt động của Tạng phủ bên trong cơ thể. Tạng phủ kiện toàn thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, tình chí điều hòa, tâm trạng ổn định thì nội tạng cũng sẽ kiện toàn.

“Thất tình” là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung không có hại đối với sức khỏe. Nhưng khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật. Thất tình gây bệnh, ngoài cường độ và thời gian tác động, còn phụ thuộc vào tính chất của từng loại tình chí. “Hỷ” là loại tình chí ít gây bệnh nhất, “nộ” gây bệnh tương đối nặng, “kinh” và “khủng” gây bệnh nhanh nhất, “ưu” và “tư” gây bệnh tương đối chậm nhưng khó chữa.

>> Tức khí hại thân: Vì sao người ta có thể vì tức giận mà chết?

Ngoài thượng sĩ tu chính Đạo, ai ai cũng ít nhiều vướng phải tình chí… (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, thất tình còn có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó, như sách “Nội kinh” đã nhận định: “Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận”. Có nghĩa là kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận.

Thất tình có thể gây bệnh, nhưng cũng có thể sử dụng để chữa trị bệnh. Tình chí thông ứng với Ngũ tạng, Ngũ tạng thông ứng với Ngũ hành – cho nên giữa các loại tình chí cũng có quan hệ tương sinh – tương khắc giống như Ngũ tạng và Ngũ hành. Cụ thể: Can Mộc khắc Tỳ thổ, cho nên “nộ” có thể “thắng” (khắc chế) “tư”; “Tỳ Thổ khắc Thận Thủy, nên “tư” có thể thắng “khủng”; Thận Thủy khắc Tâm Hỏa, nên “khủng” có thể thắng “hỷ”; Tâm can khắc Phế Kim, nên “hỷ” có thể thắng “bi”; Phế Kim khắc Can Mộc, nên “bi” có thể thắng “nộ”.

Giữa các loại tình chí có mối quan hệ tương khắc theo Ngũ hành như vậy, cho nên khi một loại tình chí quá khích, gây tổn thương đối với một Tạng nào đó, có thể dùng một loại tình chí khác khống chế . “Bi thắng nộ, hỷ thắng ưu, khủng thắng hỷ; nộ thắng ưu, tư thắng khủng”. Nghĩa là “bi” – đau thương có thể lấn át, tiết chế “nộ” – sự tức giận. Tương tự: “hỷ” tiết chế được “khủng”. Người xưa gọi phương pháp sử dụng tình chí để chữa bệnh như vậy là “Tình chí tương thắng”; còn gọi là “Dĩ tình thắng tình”. Đó là một phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu, rất độc đáo của Đông y. Hãy tìm hiểu một số ví dụ:

2. Dĩ nộ thắng tư

Hoa Đà là thần y, y thư còn ghi lại nhiều sự việc về tài chữa bệnh của ông, song chuyện Hoa Đà dùng thuật “kích nộ” để chữa bệnh thì ít thấy nói đến. Nhưng trong bộ chính sử “Tam Quốc Chí” lại có bệnh án rất đặc biệt, kể về chuyện Hoa Đà trị bệnh cho một quận thú.

Tĩnh tại mang lại bình an (Ảnh qua photodoska)

Quận thú mắc nhiều bệnh, lâu ngày tư lự, nghĩ ngợi liên miên, chẳng còn thiết gì đến ăn uống, nên cơ thể ngày càng suy kiệt… Sau khi xem mạch, Hoa Đà thấy rằng, chỉ dùng “tâm thuật” mới có thể chữa khỏi được bệnh … Thế là, hàng ngày đòi chủ nhà phải cung phụng đủ thứ rượu ngon, sơn hào hải vị và đòi tiền thù lao rất cao. Ngày này qua ngày khác, Hoa Đà chỉ ăn uống vui chơi, chẳng kê đơn thuốc hay châm cứu. Quận thú rất tức giận. Mấy ngày sau, bỗng Hoa Đà bỏ đi, không thèm cáo từ, còn để lại một bức thư nhục mạ thậm tệ. Quận thú nổi trận lôi đình, liền sau gia nhân đuổi theo bắt giết. Gia nhân trở về báo không đuổi kịp. Quận thứ tức giận, thổ ra một đống máu đen… Thế nhưng lạ thay, sau đó bệnh giảm dần sức khỏe ngày càng tăng tiến…

Sau này, Hoa Đà mới giải thích: Quận thú bị bệnh lâu ngày, tư lự quá độ, “tư tắc khí kết” (tư lự quá độ khiến khí cơ uất kết), khí kết thì huyết sẽ bị ứ đọng (huyết ứ). Chỉ có cách “kích nộ”, “nộ tắc khí nghịch”, tức giận kích thích khí vận hành ngược lên. Khí hành, thì huyết cũng hành. Huyết ứ sẽ theo khí nghịch lên, thổ ra ngoài và bệnh sẽ khỏi.

Thực ra, Hoa Đà chưa hề nhận tiền bạc, gia nhân cũng không đuổi theo để bắt giết. Màn kịch trên được dàn dựng chỉ nhằm đạt tới mục đích: Lấy sự tức giận để hóa giải trạng thái tư lự, theo nguyên tắc mà Đông y gọi là “dĩ nộ thắng ưu”. Nộ thuộc hành Mộc, tư thuộc hành Thổ; Mộc thắng (khắc chế) Thổ, nên “nộ” có thể thắng “tư”, nhờ vậy mà Quận thú khỏi bệnh.

3. Dĩ hỷ thắng ưu

Sách “Cổ kim y án” có chép câu chuyện như sau:

Một chàng trai vừa thi đỗ tú tài, đột nhiện vợ chết, ưu sầu than khóc suốt ngày, lâu ngày sinh bệnh. Thầy mời đến đã nhiều, thuốc uống đã đủ loại, mà bệnh không đỡ. Sau được danh y Chu Đan Khê xem mạch và bảo: “Mạch của anh là “hỷ mạch” (mạch phụ nữ mang thai), xem chừng đã được vài ba tháng …“. Chàng trai liền ôm bụng cười và nói: “Ông là danh y mà không hiểu, nam và nữ có chỗ khác nhau sao? Thật chẳng khác gì bọn lang y tầm thường!” Sau đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện này, chàng trai lại khoái chí cười vang, thường lấy đó làm trò tiêu khiển cùng bạn hữu. Ngày tháng trôi qua và bệnh khỏi lúc nào không biết.

Khi ấy, Chu Đan Khê mới giảng giải cho chàng tú tài kia cái nguyên lí “dĩ hỷ thắng ưu” – lấy vui thắng buồn, cũng là lấy hành Hỏa để khắc chế hành Kim vậy.

Ưu sầu – trầm uất là trạng thái sa sút nghiêm trọng về tinh thần. Theo Đông y: “ưu thương Phế”, ưu khiến cho Phế khi kết tụ – Phế khí thu tán, thăng giáng thất thường, mất điều hòa. Tạng Phế bị bệnh (“ưu thương phế”), dần dần dẫn đến các chứng trạng toàn thân: chức năng miễn dịch bị suy giảm.

Những phụ nữ hay u sầu, thường dễ mắc chứng kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng và nhiều loại bệnh phụ khoa khác. Để chữa trị những chứng bệnh nói trên, sử dụng “hỷ lạc liệu pháp”, theo nguyên tắc “dĩ hỷ thắng ưu”, trong nhiều trường hợp, còn có tác dụng mạnh hơn là dùng thuốc đơn thuần.

4. Dĩ khủng thắng hỷ

Sách “Hồi kê y thư” có câu chuyện: Một thư sinh nghèo, sau nhiều năm đèn sách, đã đỗ trạng nguyên và được vua phong cho một chức quan cao. Do quá cao hứng, sinh ra mất ngủ và trên đường về nhà, tưởng tượng cảnh “áo gấm vinh uy” sung sướng quá, bỗng nhiên bị phát bệnh; Tình chí thất thường, suốt ngày cứ lẩm bẩm một mình, đá chân múa tay lung tung, khóc cười vô cớ…

Tùy tùng liền vội mời một vị danh y đến chẩn trị. Sau khi xem mạch, vị danh y thất sắc, giọng đau buồn nói với bệnh nhân: “Bệnh của trạng nguyên không thể chữa được nữa rồi, e rằng khó có thể qua nổi 7 ngày. Ngài nên cố đi cho thật nhanh về nhà, để gặp mặt người thân lần cuối“. Nghe xong, trạng nguyên rất sợ hãi, toàn thân toát mồ hôi lạnh, ngã lăn xuống đất. Tùy tùng đưa lên kiệu, ngày đêm chăm sóc, cho xe đi thật nhanh để kịp về quê. Hôm sau tỉnh dậy, trạng nguyên cảm thấy niềm vui bấy lâu nay đã tan biến, suốt ngày chỉ lo sợ không về kịp gặp mặt người thân lần cuối.

Thế nhưng, 7 ngày sau về đến nhà, không những không chết, mà bệnh khỏi, cử chỉ và hành vi hoàn toàn bình thường. Chính lúc vị tân khoa đang hoài nghi, nghĩ rằng thầy thuốc chẩn đoán sai, thì tùy tùng mang đến một bức thư. Mở ra xem thấy viết: “Đại nhân trúng trạng nguyên, được phong chức cao, quá cao hứng, không thể tự khống chế, tâm thần thác loạn. Loại bệnh này sử dụng thuốc không thể chữa được. Cho nên tôi đã cả gan lấy cái chết ra để đe dọa, khiến ngài khiếp sợ. Làm thế chỉ để chữa khỏi bệnh cho ngài, mong được lượng thứ. Nay bệnh đã khỏi, không còn gì phải lo ngại nữa.

Trong “thất tình”, hỷ (vui) là một kích thích có lợi. Thông thường, tinh thần vui vẻ lạc quan rất có ích đối với sức khỏe. Vui vẻ, rất ít khi làm cho con người sinh bệnh. Tuy nhiên, vui đột ngột, vui quá mức, như điên như dại, thì “lạc cực sinh bi”, có thể làm cho tạng Tâm bị tổn thương, thần chí mất cân bằng, khí huyết bị rối loạn, thậm chí có thể làm chết người.

Để chữa trị, Đông y thường áp dụng “kinh khủng liệu pháp” theo nguyên lý “dĩ khủng thắng hỷ”; lấy sự sợ hãi để tiết chế trạng thái quá vui. Đối với con người, không gì đáng sợ bằng cái chết; nhất là đối với những người đang giàu sang, quyền cao chức trọng. Để “dĩ khủng thắng hỷ”, y gia thời xưa thường hay dùng cái chết để đe dọa, nói chung thường chứng kiến hiệu quả như thần.

Thụ Anh